Sau thời gian hoạt động sôi nổi, Chương trình Dự án quốc tế cộng đồng Learning Express (LeX) lần thứ 2 do Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) phối hợp cùng Singapore Polytechnic (SP) tổ chức đã chính thức khép lại vào ngày 19/3, với nhiều dự án ấn tượng mang tính đổi mới cao.
Trải qua 09 ngày hoạt động từ 11-19/3, 30 sinh viên HUTECH và 30 sinh viên SP chia thành 03 nhóm (mỗi nhóm gồm 10 sinh viên SP và 10 sinh viên HUTECH) đã thực hiện khảo sát và làm việc thực tế tại 03 địa điểm: Nhóm 1 - Sơn mài Định Hoà (Bình Dương); Nhóm 2 - Làng gốm Hiến Nam (Đồng Nai); Nhóm 3 - Trung tâm Chắp Cánh (TP. HCM). Với sự hợp tác và tinh thần sáng tạo, các nhóm đã hoàn thành quá trình nghiên cứu và phát triển những giải pháp thực tiễn, góp phần tạo ra giá trị thiết thực cho cộng đồng.
Trải qua 09 ngày hoạt động năng suất các nhóm sinh viên đã hoàn thành dự án nghiên cứu
Để trình bày kết quả đạt được, các sinh viên đã tổ chức triển lãm sản phẩm, thuyết trình về hành trình hiện thực hóa dự án và chia sẻ những giải pháp đổi mới. Đây không chỉ là cơ hội giới thiệu thành quả nghiên cứu mà còn lan tỏa giá trị sáng tạo, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về tinh thần đổi mới, tư duy sáng tạo và trách nhiệm với cộng đồng.
Không gian triển lãm sản phẩm thu hút đông đảo sinh viên tham gia
Lấy cảm hứng từ câu chuyện thực tế của các nghệ nhân làng sơn mài Định Hòa (Bình Dương) – những người đang phải đối mặt với khí độc từ sơn mài, gây kích ứng da, đau nhức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe - nhóm sinh viên 1A đã nghiên cứu và phát triển máy khử mùi khí độc “Kykyfresh”. Thiết bị này tích hợp công nghệ lọc khí tiên tiến từ thiên nhiên như than hoạt tính, chanh, sả,… giúp loại bỏ khí độc trong không gian làm việc, tạo môi trường an toàn hơn cho nghệ nhân, đồng thời hỗ trợ quá trình làm khô tranh hiệu quả. Với tính ứng dụng cao và giá trị thiết thực, sản phẩm Kykyfresh đã xuất sắc giành giải thưởng The Most Creative Prototype của chương trình.
Bên cạnh đó, nhóm 1B đã sáng chế nên thiết bị hỗ trợ mài sơn “Sanding SLAB”, được chế tạo từ gỗ với thiết kế dạng thuyền, giúp tăng diện tích tiếp xúc và cho phép thay đổi cách cầm linh hoạt, giảm mỏi tay khi làm việc. Thiết bị này giúp nghệ nhân tránh tiếp xúc trực tiếp với giấy nhám, hạn chế nguy cơ rách da tay, đồng thời nâng cao hiệu suất lao động so với phương pháp mài truyền thống. Sản phẩm đặc biệt hiệu quả trong quá trình chà nhám các lớp sơn đầu tiên trên bề mặt tấm vóc, tạo độ nhám tối ưu, tăng độ bám dính của sơn và cải thiện chất lượng sản phẩm sơn mài.
Poster sản phẩm được các nhóm thiết kế đặc sắc, truyền tải cụ thể thông tin đến người xem
Nhằm giảm tải công sức lao động và cải thiện quy trình sắp xếp sản phẩm trong quá trình sản xuất gốm tại làng gốm Hiến Nam (Đồng Nai), Nhóm 02 đã triển khai hai dự án cải tiến. Giải pháp đầu tiên của nhóm 2A là mô hình trộn vật liệu cứng “Mixaday”, ứng dụng công nghệ hiện đại để thay thế phương pháp trộn nguyên liệu thủ công truyền thống. Sự đổi mới này không chỉ giúp nghệ nhân tiết kiệm sức lao động mà còn nâng cao hiệu suất làm việc, đảm bảo tính nhất quán trong chất lượng nguyên liệu, từ đó góp phần tạo ra những sản phẩm gốm hoàn thiện hơn.
Giải pháp tiếp đến của nhóm 2B là hệ thống kệ đựng gốm trên cao có trợ lực “Magic shelt” - chiếc tủ thần kỳ, sản phẩm hỗ trợ nghệ nhân dễ dàng sắp xếp và bảo quản sản phẩm mà không tốn nhiều công sức. Đặc biệt, hệ thống này giúp những nghệ nhân lớn tuổi tiếp tục làm việc thuận lợi hơn mà không bị cản trở bởi hạn chế về sức khỏe. Việc cải tiến này không chỉ tối ưu không gian lưu trữ, đảm bảo an toàn hơn so với các kệ đựng truyền thống, mà còn thể hiện sự trân trọng đối với giá trị lao động bền bỉ, giúp các nghệ nhân gắn bó lâu dài với nghề gốm mà họ yêu quý.
Sinh viên tự tin thuyết trình ý tưởng trước thầy cô và Ban Giám khảo chuyên môn
Khác với các dự án nghiên cứu hướng đến nghệ thuật truyền thống của Nhóm 1 và Nhóm 2, Nhóm 3 tập trung vào mục tiêu bảo vệ môi trường, chống lãng phí tài nguyên thiên nhiên và tạo cơ hội tăng thêm thu nhập cho các thành viên tại Trung tâm Chắp Cánh.
Nhóm sinh viên 3A đã giới thiệu sản phẩm “Chance Box” (Hộp mù) - một ý tưởng kinh doanh sáng tạo giúp Trung tâm gia tăng thu nhập. Sản phẩm này được thiết kế theo nhiều chủ đề như biển cả, hoa lá…, bên trong chứa các sản phẩm handmade do chính các thành viên Trung tâm chế tác. Với cách tiếp cận khách hàng mới mẻ, “Hộp mù” khơi gợi sự tò mò, kích thích người mua và thu hút sự quan tâm lớn hơn. Nhờ đó, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, sản phẩm còn góp phần quảng bá các mặt hàng thủ công của Trung tâm đến với cộng đồng.
Cùng với đó, các bạn sinh viên thuộc nhóm 3B đã triển khai thực hiện dự án tái chế chậu cây “Maison chance” lấy cảm hứng từ các hoạt động, lao động sản xuất của những người Trung tâm. Sản phẩm đã kết hợp với các lĩnh vực may, vẽ, công nghệ thông tin, điêu khắc,… để tạo nên sản phẩm chậu cây tái chế thông minh từ những vỏ chai nhựa, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà mang đến giá trị trồng cây xanh, bảo tồn thiên nhiên bền vững.
Các bạn sinh viên cùng nhau trao đổi thông tin cũng như tiềm năng phát triển của dự án trong cộng đồng
Là một trong những sinh viên tham gia bình chọn và đánh giá các dự án tại buổi triển lãm, bạn Võ Hiên Huy - sinh viên năm nhất ngành Ngôn ngữ Anh, bày tỏ: “Buổi triển lãm đã mang đến cho em nhiều kiến thức về các làng nghề truyền thống, đặc biệt là những góc khuất phía sau mỗi sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo. Em cảm thấy các hoạt động và giá trị mà các nhóm nghiên cứu thực hiện rất ý nghĩa, không chỉ đối với riêng em mà còn truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ. Đồng thời, phần thuyết trình song ngữ Anh - Việt cũng giúp em mở rộng vốn từ và hiểu rõ hơn về cách ứng dụng ngôn ngữ trong thực tế”.
Không gian triển lãm đã mang lan tỏa nhiều giá trị ý nghĩa đến các bạn sinh viên
Bên cạnh lượt bình chọn và đánh giá từ các sinh viên tham quan triển lãm, các dự án còn được thẩm định bởi Hội đồng Ban Giám khảo chuyên môn gồm: ThS. Nguyễn Xuân Hưng - Viện trưởng Viện Công nghệ Việt - Nhật (VJIT), ThS. Võ Quốc Đại - Phó trưởng Khoa Tiếng Anh, và ThS. Vũ Hải Yến - Phó trưởng Khoa Thú y - Chăn nuôi. Sau quá trình đánh giá kỹ lưỡng, chương trình đã tìm ra chủ nhân của các giải thưởng danh giá như sau:
STT |
Giải |
Nhóm |
Sản phẩm |
1 |
The Best Design |
2A |
Mixaday |
2 |
The Best Teamwork |
3A |
Chance Box |
3 |
The Best Presentation |
2B |
Magic shelt |
4 |
The Most Practical Prototype |
1B |
Sanding SLAB |
5 |
The Most Creative Prototype |
1A |
Kykyfresh |
6 |
The Most Attractive Prototype |
3B |
Maison chance |
Đồng hành cùng chương trình, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh - Giảng viên Trung tâm Thiết kế Dự án và Đổi mới Sáng tạo (CPDI) chia sẻ: “Chương trình là một hoạt động ý nghĩa, giúp sinh viên tiếp cận các hướng nghiên cứu quốc tế, đồng thời mang lại những giá trị thiết thực phục vụ xã hội. Bên cạnh đó, việc kết nối và hợp tác với sinh viên quốc tế cũng sẽ giúp các bạn phát triển tư duy, kỹ năng làm việc nhóm, rèn luyện, chuẩn bị hành trang hội nhập trong môi trường toàn cầu”.
Sau quá trình đánh giá kỹ lưỡng, chương trình đã tìm ra chủ nhân của các giải thưởng danh giá
Phát biểu tại lễ bế mạc, thầy David William Tan - Giảng viên kiêm Điều phối viên Dự án LeX 2025 đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Nhà trường vì sự hỗ trợ nhiệt tình trong suốt chương trình. Thầy cũng chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình vừa qua, đồng thời nhấn mạnh tinh thần hợp tác, sáng tạo và giá trị mà dự án đã mang lại cho sinh viên cũng như cộng đồng.
Chương trình đã để lại nhiều kỷ niệm và kiến thức thực tiễn, giúp các bạn tự tin phát triển trong môi trường quốc tế
Chương trình Learning Express lần thứ 2 đã tạo nên dấu ấn ấn tượng, mang lại nhiều bài học giá trị cùng những trải nghiệm sâu sắc và đáng nhớ cho sinh viên. Không chỉ dừng lại ở việc học tập, chương trình còn giúp sinh viên hai trường tạo ra giá trị thiết thực cho cộng đồng, từ áp dụng khoa học vào thực tế, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đến đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Tin: Hồng Loan
Ảnh: Công Định
TT. Truyền thông