Với mục tiêu giúp sinh viên nâng cao nhận thức và tiếp cận xu hướng phát triển môi trường bền vững, ngày 25/3, Viện Khoa học Ứng dụng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn cho sự phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức”.
Hội thảo có sự đồng hành của PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC). Với bề dày chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn, diễn giả đã mang đến một phần trình bày sâu sắc, kết hợp hài hòa giữa lý luận, pháp lý và các mô hình kinh tế tuần hoàn điển hình tại Việt Nam.
Đảm nhận vai trò diễn giả là PGS.TS. Phùng Chí Sỹ với bề dày chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn cao
Mở đầu phần chia sẻ, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ nêu bật sự lỗi thời của mô hình kinh tế tuyến tính trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, môi trường ô nhiễm và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Từ đó, ông khẳng định kinh tế tuần hoàn chính là hướng đi tất yếu nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Những chia sẻ này giúp các bạn nhận thức sâu sắc hơn về các vấn đề thời sự toàn cầu, đồng thời tìm hiểu về định hướng học tập và nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi xanh đang ngày càng cấp thiết.

Diễn giả khẳng định kinh tế tuần hoàn chính là hướng đi tất yếu của thời đại
Bên cạnh đó, diễn giả cũng chia sẻ thêm về cách tiếp cận và cơ sở pháp lý của kinh tế tuần hoàn, trong đó nhấn mạnh mô hình 9R - chuỗi hành động bao gồm từ chối, suy nghĩ lại, giảm thiểu, tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất, tái định hướng, tái chế và phục hồi. Bên cạnh đó là các văn bản pháp lý quan trọng như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Quyết định 687/QĐ-TTG năm 2022 phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Cách tiếp cận và cơ sở pháp lý của kinh tế tuần hoàn cũng được diễn giả chia sẻ cụ thể đến sinh viên
Một trong những phần sinh động và thu hút nhất là khi PGS.TS. Phùng Chí Sỹ chia sẻ hiện trạng phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Thông qua loạt hình ảnh thực tiễn, diễn giả đã giới thiệu các mô hình tiêu biểu như: nhà máy đốt rác phát điện tại Bình Dương và Cần Thơ, hệ thống điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp, mô hình phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải nông nghiệp thành phân bón, tái chế nhựa, giấy và tro bay thành vật liệu xây dựng,… Những ví dụ gần gũi này giúp sinh viên dễ dàng hình dung sự hiện diện của kinh tế tuần hoàn trong đời sống và sản xuất. Đây cũng là nguồn tư liệu thực tiễn quý báu, có thể được vận dụng hiệu quả vào các bài tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp, nghiên cứu khoa học sinh viên hoặc thậm chí là cảm hứng cho các dự án khởi nghiệp xanh.
Giảng viên, sinh viên Viện cùng diễn giả trao đổi những thông tin xoay quanh kinh tế tuần hoàn
Không chỉ dừng lại ở việc minh họa, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ còn đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trong đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện chính sách pháp luật, ban hành cơ chế hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp áp dụng mô hình tuần hoàn, đẩy mạnh truyền thông - giáo dục cộng đồng, tăng cường hợp tác công - tư và chuyển giao công nghệ. Những nội dung này giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn chiến lược, hiểu rõ hơn vai trò của từng chủ thể trong nền kinh tế xanh, đồng thời rèn luyện năng lực tư duy phản biện và một số kỹ năng mềm quan trọng trong học tập và hành nghề sau này.

Những kiến nghị thiết thực từ ông đã giúp các bạn nhận thức rõ hơn vai trò của thế hệ trẻ trong hành trình sống xanh
Khép lại buổi hội thảo, diễn giả nhấn mạnh rằng kinh tế tuần hoàn không chỉ là giải pháp tạm thời, mà là nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững trong dài hạn. Những kiến nghị thiết thực cùng thông điệp truyền cảm hứng đã giúp sinh viên nhận thức rõ hơn vai trò của thế hệ trẻ trong hành trình sống xanh, học tập chủ động và hành động có trách nhiệm với môi trường. Buổi hội thảo không chỉ mang lại giá trị học thuật mà còn góp phần định hướng tư duy và khơi dậy tinh thần đóng góp tích cực của các bạn vào quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Tin: Mỹ Lệ
Ảnh: Thành Phúc
TT. Truyền thông