Nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập cho đội ngũ giảng viên, sáng 16/4, Khoa Tài chính - Thương mại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã phối hợp cùng Công ty TNHH Tư vấn UNITEX tổ chức Chương trình tập huấn với chủ đề “Vận dụng AI trong công tác giảng dạy đại học”.
Buổi tập huấn thu hút sự tham gia của đông đảo giảng viên Khoa Tài chính - Thương mại, với mục tiêu nâng cao kỹ năng chuyên môn, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cũng như tăng cường giao lưu, trao đổi chuyên môn với các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục.
Buổi tập huấn “Vận dụng AI trong công tác giảng dạy đại học” được thầy cô hưởng ứng và tham gia sôi nổi
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS. Trần Văn Tùng - Trưởng Khoa Tài chính - Thương mại nhấn mạnh vai trò quan trọng và cấp thiết của việc tích hợp AI vào quá trình giảng dạy, nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo hiện đại. Theo thầy, việc ứng dụng AI không chỉ giúp giảng viên tối ưu hóa hiệu quả làm việc, mà còn là bước tiến quan trọng trong việc đào tạo sinh viên phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.
PGS.TS. Trần Văn Tùng nhấn mạnh việc ứng dụng AI vào trong công tác giảng dạy tại HUTECH
Tại chương trình, anh Trần Kim Duy Lân - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Tư vấn UNITEX đã mang đến những chia sẻ thực tiễn trong chuyên đề “Tổng quan về ứng dụng AI trong hoạt động giảng dạy đại học”. Thông qua sơ đồ “Quy trình nghiên cứu và trình bày tích hợp”, anh Lân giới thiệu cách ứng dụng các công cụ AI để hỗ trợ giảng viên từ khâu nghiên cứu đến thiết kế bài giảng một cách khoa học và hiệu quả. Quy trình này gồm 5 bước:
Diễn giả Duy Lân mang đến nhiều kiến thức bổ ích cùng các ứng dụng thực tiễn của AI tại buổi tập huấn
(1) Nghiên cứu đề tài: Giảng viên có thể sử dụng Perplexity để khám phá, tìm hiểu chuyên sâu và định hướng rõ ràng cho chủ đề cần giảng dạy.
(2) Tổng hợp tài liệu: Công cụ NotebookLM giúp hệ thống và khai thác thông tin từ nhiều nguồn, hỗ trợ quá trình nghiên cứu và chuẩn bị nội dung học thuật.
(3) Tạo biểu đồ: Với Napkin, dữ liệu và ý tưởng được trực quan hóa thành biểu đồ sinh động, hỗ trợ minh họa nội dung bài giảng một cách dễ hiểu.
(4) Tạo slide: Gamma.AI cho phép thiết kế slide nhanh chóng, bắt mắt và chuẩn hóa bố cục trình bày, góp phần nâng cao trải nghiệm học tập cho sinh viên.
(5) Tinh chỉnh dữ liệu: Cuối cùng, EDBase.AI được sử dụng để hợp nhất, hiệu chỉnh và đảm bảo tính chính xác của toàn bộ nội dung trình bày.
Theo anh Lân, sự kết hợp linh hoạt giữa các công cụ AI này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao chất lượng bài giảng, giúp người học tiếp cận kiến thức một cách trực quan và hứng thú hơn.
Các thầy cô Khoa Tài chính - Thương mại đã trực tiếp trải nghiệm, thực hành và cùng nhau trao đổi, thảo luận những tình huống ứng dụng AI cụ thể trong quá trình giảng dạy. Đây cũng là cơ hội để đội ngũ giảng viên Khoa từng bước tiếp cận với các phương pháp sư phạm hiện đại, chuẩn bị hành trang vững chắc trong việc đổi mới giáo dục theo hướng tích hợp công nghệ và nâng cao trải nghiệm học tập cho sinh viên trong thời đại số.
Trực tiếp vận dụng AI vào các công việc cụ thể giúp thầy cô nâng cao nghiệp vụ chuyên môn trong thời đại số
Chương trình là một trong những hoạt động đầu tiên trong chuỗi tập huấn đào tạo và phát triển năng lực ứng dụng công nghệ vào giảng dạy của Khoa Tài chính - Thương mại. Qua đó, Khoa khẳng định cam kết tiên phong trong đổi mới giáo dục đại học, hướng đến xây dựng môi trường học tập hiện đại, sáng tạo, gắn liền thực tiễn và công nghệ.
Tin: Anh Hào
Ảnh: Hữu Hào
TT. Truyền thông