Nếu có một điều làm nên sự đặc biệt của những người thầy, đó chính là cách họ không chỉ dạy kiến thức mà còn truyền cảm hứng để sinh viên dám ước mơ, dám chinh phục những thử thách mới. Ở Viện Khoa học Ứng dụng HUTECH, cái tên TS. Nguyễn Thị Hai không chỉ gắn liền với những bài giảng đầy tâm huyết, mà còn là người “truyền lửa” cho phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, giúp các bạn biến những ý tưởng non trẻ thành những công trình có tính ứng dụng cao. Những "dấu ấn" mà cô để lại không chỉ nằm ở những thành tích nổi bật mà còn in sâu trong ký ức của học trò bằng sự giản dị, chân thành và niềm đam mê không bao giờ tắt.
LÀ NHÀ KHOA HỌC NỮ XUẤT SẮC VỚI NIỀM ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KHÔNG BAO GIỜ TẮT
Có người chọn con đường nghiên cứu với những công trình khoa học mang tính ứng dụng cao. Có người lại chọn sự nghiệp giảng dạy để truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ. Nhưng với TS. Nguyễn Thị Hai, cả hai con đường ấy chưa bao giờ tách rời nhau. Cô là một giảng viên tận tâm trên bục giảng, và cũng là một nhà nghiên cứu miệt mài trong phòng thí nghiệm.
Các công trình của cô trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ bảo vệ cây trồng, xử lý sâu bệnh đến nâng cao chất lượng nông sản. Những nghiên cứu như “Nghiên cứu sâu, bệnh hại bông và biện pháp phòng trừ”, “Xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp sâu chích hút cho cây bông vụ đông xuân” hay “Nâng cao chất lượng củ hành tím bằng kỹ thuật trồng, xử lý và bảo quản” đều mang tính ứng dụng cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam. Năm 2001, khi còn giữ vai trò Trưởng phòng Bảo vệ thực vật tại Viện Nghiên cứu Bông & Phát triển Nông nghiệp Nha Hố, cô và các đồng nghiệp đã xuất sắc nhận được giải thưởng Kovalevskaia – giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.
Không dừng lại ở đó, cô còn có nhiều công trình nghiên cứu về vi sinh ứng dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là những nghiên cứu về hoạt tính trừ sâu của nấm Purpureocillium lilacinum hay sản xuất nấm ký sinh côn trùng để quản lý bọ cánh tơ trên cây đậu bắp. Những đề tài này không chỉ được công nhận trong nước mà còn được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, khẳng định vị thế của cô trong lĩnh vực nghiên cứu.
NGƯỜI THẦY “MÁT TAY” TRONG HƯỚNG DẪN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN
Nhắc đến TS. Nguyễn Thị Hai, không thể không kể đến những thành công của cô trong việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Với sự tận tâm, kiên nhẫn cùng nền tảng nghiên cứu vững chắc cô đã đồng hành cùng nhiều thế hệ sinh viên thực hiện những đề tài xuất sắc, đạt nhiều giải thưởng Nghiên cứu khoa học các cấp như Euréka hay Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học (NCKH) các cấp.
Năm 2017, một trong những công trình mà cô hướng dẫn đã giành giải Nhất tại Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ, với đề tài “Phân lập và sản xuất chế phẩm nấm Paecilomyces lilacinus phòng trừ tuyến trùng hại cây hồ tiêu”. Đây là một trong những cột mốc đáng nhớ, khẳng định khả năng và sự tận tâm của cô trong việc ươm mầm tài năng nghiên cứu trẻ.
Nhưng với cô, điều đáng nhớ hơn cả không nằm ở giải thưởng mà là ở quá trình đồng hành đồng hành cùng sinh viên từ những bước đầu tiên như tìm kiếm ý tưởng, xây dựng kế hoạch, thực hiện thí nghiệm cho đến khi các bạn có thể tự tin trình bày trước hội đồng khoa học. “Quan trọng nhất là sự kiên trì và tư duy khoa học mà sinh viên có thể học được từ quá trình ấy.” - cô chia sẻ.
NIỀM VUI TỪ NHỮNG KỶ NIỆM GIẢN DỊ
Nếu nói về những điều đáng nhớ nhất trong suốt 16 năm gắn bó với HUTECH, cô Hai không nhắc nhiều đến những thành tựu khoa học, mà lại kể về những câu chuyện đời thường với sinh viên. Với cô, những khoảnh khắc nhỏ bé nhưng chân thành chính là điều khiến nghề giáo trở nên đặc biệt.
Cô Hai vẫn nhớ mãi một buổi sáng những năm đầu về trường, sau tiết học, vì cô mãi giảng cho các bạn sinh viên nán lại hỏi bài mà quên mất thời gian. “Không biết sao, bạn lớp trưởng biết mình có tiết buổi chiều nên chạy đi mua cho cô một ổ bánh mì và một hộp sữa rồi dúi vào tay cô, bảo cô ăn đỡ để còn đi dạy tiếp. Cầm ổ bánh mì với hộp sữa trên tay, mình xúc động vô cùng, vì cái tình của học trò sao mà dễ thương đến thế!” – cô Hai kể lại với nụ cười đầy trìu mến.
Với cô, những khoảnh khắc như thế không chỉ đơn thuần là một câu chuyện nhỏ, mà là động lực để cô tiếp tục gắn bó với giảng đường, với sinh viên, với sự nghiệp giáo dục mà cô đã chọn.
16 NĂM BỀN BỈ VỚI KHÁT VỌNG NUÔI DƯỠNG TRI THỨC
Trải qua hơn một thập kỷ đứng lớp, chứng kiến biết bao thế hệ sinh viên ra trường, điều mà TS. Nguyễn Thị Hai mong mỏi nhất chính là các bạn trẻ có thể tìm được công việc phù hợp, có thể ứng dụng những gì đã học để đóng góp cho xã hội. “Tri thức là hành trình không có điểm dừng, tôi mong các bạn sinh viên luôn giữ vững đam mê, dù là ở lĩnh vực nào, vị trí nào,” cô nhắn nhủ.
Và rồi, những lứa sinh viên mới lại tiếp tục bước vào giảng đường HUTECH, tiếp tục hành trình khám phá tri thức – hành trình mà ở đó, luôn có một người cô tận tụy như TS. Nguyễn Thị Hai, lặng lẽ đồng hành, dẫn dắt và truyền cảm hứng. “Giáo dục và nghiên cứu không chỉ là trao đi kiến thức, mà còn là truyền cảm hứng, là giúp sinh viên nhận ra rằng họ có thể làm được nhiều hơn những gì họ nghĩ.” - TS. Nguyễn Thị Hai chia sẻ.
THÀNH TÍCH NỔI BẬT: CÁC ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC ĐÃ VÀ ĐANG THAM GIA Chủ nhiệm CÁC BÀI BÁO ISI BÀI BÁO TRÊN CÁC TẠP CHÍ KHOA HỌC QUỐC GIA |
Từ ngày 30/9/2024 – 31/12/2024, Ban tổ chức sẽ bắt đầu tiếp nhận đơn đề cử của các đơn vị, đơn đề cử - tự đề cử của cá nhân trên website HUTECH’s Face. |
Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu