Hội nghị Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ 2025: Khơi nguồn tri thức xã hội và nhân văn trong kỷ nguyên số
07/07/2025
Với mục tiêu xây dựng cầu nối học thuật góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) tổ chức Hội nghị Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ năm 2025 vào ngày 05/7.
Hội nghị Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ năm 2025 diễn ra vào ngày 05/7
Hội nghị năm nay ghi nhận sự quan tâm lớn từ cộng đồng học thuật khi có sự tham gia của 75 bài báo toàn văn của hơn 90 tác giả đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trên cả nước như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM; Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM; Trường Đại học Sài Gòn; Trường Đại học Văn Lang; Học viện Hàng không Việt Nam; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; Trường Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế;.... Điều này cho thấy mối quan tâm thiết yếu của cộng đồng khoa học đối với lĩnh vực Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ trong bối cảnh mới.
Hội nghị ghi nhận sự quan tâm lớn của hơn 90 tác giả đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trên cả nước
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Nguyễn Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh vai trò then chốt của Khoa học Xã hội trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và các vấn đề toàn cầu ngày càng phức tạp. Thầy khẳng định: “Trong thời đại bùng nổ công nghệ, người giảng viên không chỉ cần năng lực phân tích và giải quyết vấn đề, mà còn phải sáng tạo trong từng bài giảng để người học có thể phát huy tối đa năng lực, làm việc độc lập trong môi trường có sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo. Để làm được điều đó, không có con đường nào khác ngoài con đường nghiên cứu khoa học. Vì vậy, tôi cho rằng Hội nghị lần này được tổ chức đúng vào thời điểm rất phù hợp với nhu cầu và xu hướng phát triển của đất nước, đặc biệt là khi chính các thầy cô là những người góp phần quan trọng vào quá trình kiến tạo, hình thành và phát triển con người”.
GS.TS. Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh vai trò then chốt của Khoa học Xã hội trong bối cảnh công nghệ phát triển
Đại diện Ban Tổ chức Hội nghị, PGS.TS. Phạm Văn Việt - Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ kiêm Trưởng Ban Tổ chức, đã trình bày báo cáo tổng quan về quá trình chuẩn bị, bao gồm công tác biên tập kỷ yếu, tổ chức phản biện và xuất bản. Quy trình phản biện được thực hiện nghiêm ngặt, quét trùng lặp toàn bộ bản thảo. Kết quả, 63 bài viết (chiếm 84%) đã được xét duyệt đăng trong Kỷ yếu Hội nghị, khẳng định tính học thuật, minh bạch và nghiêm túc của sự kiện. Đặc biệt, Hội nghị đang được định hướng nâng cấp quy mô quốc gia/quốc tế và tổ chức định kỳ 02 năm một lần kể từ năm 2026, hứa hẹn mở rộng ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học.
PGS.TS. Phạm Văn Việt báo cáo tổng quan về quá trình chuẩn bị tổ chức hội nghị
Tại phiên toàn thể do PGS.TS. Phan Đình Nguyên - Phó Hiệu trưởng Nhà trường điều hành, các báo cáo chuyên sâu đã được trình bày, thể hiện chiều sâu nghiên cứu, tính liên ngành và khả năng đề xuất chính sách thực tiễn. Mở đầu, TS. Nguyễn Minh Nhựt - Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM trình bày báo cáo “Ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng (Nghiên cứu trường hợp tại huyện Cần Giờ TP.HCM”. Báo cáo tập trung phân tích vai trò và mức độ tham gia của 03 nhóm chủ thể: người dân, chính quyền địa phương và tổ chức xã hội. Trong bối cảnh Cần Giờ - vùng ven biển duy nhất của TP.HCM, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nghiên cứu chỉ ra sự thiếu gắn kết giữa các chủ thể đang là rào cản lớn trong chiến lược ứng phó bền vững. Từ đó, tác giả đề xuất mô hình quản trị rủi ro dựa vào cộng đồng, nhấn mạnh sự phối hợp linh hoạt, có tổ chức và lâu dài giữa các bên, như một hướng đi khả thi cho các vùng ven đô khác.
Phiên báo cáo toàn thể do PGS.TS. Phan Đình Nguyên điều hành
TS. Nguyễn Minh Nhựt trình bày báo cáo Ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng
Tiếp nối mạch nội dung về các vấn đề xã hội cấp thiết, TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh - Trưởng Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM trình bày báo cáo “Di cư lao động quốc tế của người Việt Nam: Cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh hậu COVID-19 và chuyển đổi số”, làm rõ những thay đổi cấu trúc trong thị trường lao động quốc tế dưới tác động của công nghệ. Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn trong tuyển dụng, đào tạo và tiếp cận thị trường, nhưng cũng đặt ra thách thức về bất bình đẳng thông tin, sự lệ thuộc vào nền tảng số và các nguy cơ bóc lột từ môi giới ảo. Tham luận đề xuất xây dựng khung chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ năng số, nâng cao năng lực số của các trung tâm xuất khẩu lao động và thúc đẩy hợp tác quốc tế để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Tình hình thị trường lao động quốc tế dưới tác động của công nghệ được TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh chia sẻ
Cuối cùng, báo cáo “Kinh nghiệm phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái trên thế giới và bài học cho Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Quyết Thắng - Trưởng Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn HUTECH, đặt trọng tâm vào vai trò kép của du lịch xanh: vừa bảo vệ môi trường, vừa phát triển kinh tế. Nghiên cứu phân tích các mô hình thành công tại Úc, Thái Lan, Malaysia, từ chính sách quy hoạch, đầu tư hạ tầng đến nâng cao nhận thức cộng đồng. Qua đó, đề xuất chiến lược phát triển du lịch bền vững, phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh của Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Quyết Thắng đề xuất chiến lược phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam
Tổng thể, các báo cáo tại phiên toàn thể đã thể hiện rõ định hướng nghiên cứu gắn liền với các vấn đề thời sự, đồng thời gợi mở những giải pháp liên ngành, có khả năng áp dụng thực tiễn cao, hướng đến định hình chiến lược phát triển bền vững trong các lĩnh vực môi trường, lao động và du lịch - những trụ cột quan trọng trong xã hội hiện đại.
Phiên tham luận diễn ra sôi nổi thể hiện rõ định hướng nghiên cứu gắn liền với các vấn đề thời sự
Song song với phiên toàn thể, Hội nghị cũng tổ chức các tiểu ban chuyên môn theo từng lĩnh vực như: Luật học và Quan hệ Quốc tế, Nhật Bản học và Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, các ngành Khoa học Xã hội khác. Tại đây, các giảng viên, nghiên cứu viên và học viên cao học đã trình bày các nghiên cứu, thảo luận học thuật đa chiều, tăng cường giao lưu chuyên môn giữa các trường đại học.
Các tiểu ban chuyên môn theo từng lĩnh vực
Với sự tổ chức bài bản, nội dung học thuật sâu sắc, quy trình phản biện chặt chẽ và tinh thần kết nối cộng đồng nghiên cứu mạnh mẽ, Hội nghị Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ năm 2025 tiếp tục là một dấu ấn trong chiến lược phát triển học thuật liên trường, liên ngành và gắn kết thực tiễn của HUTECH.