Ngày 11/5, Khoa Tiếng Anh phối hợp với Viện Đào tạo Sau Đại học Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức seminar học thuật với chủ đề “Language Program Administration: Key Factors for Success” (Quản lý chương trình ngôn ngữ: Các yếu tố then chốt để thành công), thu hút sự tham gia của hơn 100 giảng viên, học viên cao học.
Buổi chia sẻ được trình bày bởi TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung - Giảng viên Khoa Tiếng Anh. Cô mở đầu bằng một câu hỏi mang tính tự vấn: “Sự khác biệt giữa một giáo viên và một người quản lý chương trình là gì?”, từ đó dẫn dắt người tham dự bước vào hành trình nhận diện lại chính vai trò nghề nghiệp của mình: không chỉ là người dạy học, mà còn là người tổ chức, người dẫn dắt, người tạo ảnh hưởng tích cực trong môi trường học thuật.
Buổi seminar thu hút sự tham gia của nhiều giảng viên, học viên cao học
Trong phần trọng tâm của chương trình, người tham dự được mời gọi tham gia vào bảng so sánh giữa hai vai trò LT (Language Teacher - giảng viên ngôn ngữ) và LPA (Language Program Administrator - quản lý chương trình ngôn ngữ), để từ đó soi chiếu lại những kỹ năng đã có, những năng lực cần bổ sung nếu muốn chuyển mình từ người dạy sang người lãnh đạo. Các yếu tố như khả năng giao tiếp nội bộ, quyền kiểm soát chương trình, trách nhiệm quản trị tài nguyên, kỹ năng quan sát - đánh giá, năng lực điều phối đội ngũ,… đều được mổ xẻ kỹ lưỡng thông qua thảo luận nhóm và kịch bản tình huống.
Người tham dự được mời gọi tham gia vào bảng so sánh giữa hai vai trò LT và LPA
Không dừng lại ở lý thuyết, seminar còn đem đến một loạt ví dụ thực tế về những thách thức mà một LPA thường gặp phải: từ việc xây dựng một chương trình học mới nhưng thiếu ngân sách, đến việc đảm nhận vai trò điều phối khi chưa được đào tạo chính thức, hoặc ứng phó với kỳ vọng khác biệt từ phía ban giám hiệu và đội ngũ giảng viên. Những tình huống này không chỉ mang tính mô phỏng mà còn phản ánh đúng nhịp thở của các môi trường giáo dục hiện đại, nơi người lãnh đạo không chỉ cần giỏi chuyên môn mà còn phải linh hoạt trong quản trị và thấu cảm trong hành xử.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng nhấn mạnh rằng lãnh đạo chương trình không đồng nghĩa với việc áp đặt quyền lực, mà là khả năng tạo ảnh hưởng, thiết lập mối quan hệ tin cậy và truyền cảm hứng để người khác phát triển. Việc quản lý con người - một trong những nội dung quan trọng của seminar - được đề cập như một nghệ thuật đòi hỏi sự kết hợp giữa lý trí và trái tim. Các khía cạnh như tuyển dụng, đánh giá, hỗ trợ phát triển nghề nghiệp, đảm bảo cân bằng công việc - đời sống, tôn trọng sự đa dạng văn hóa,… được xem là tiêu chí cốt lõi để hình thành một môi trường làm việc tích cực và bền vững.

TS. Ngọc Dung đem đến nhiều góc nhìn về người làm lãnh đạo, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ
Đáng chú ý, thời gian cũng được đặt vào vị trí trung tâm của tư duy lãnh đạo. Thay vì trở thành “siêu nhân” xử lý công việc không ngơi nghỉ, người quản lý cần học cách sử dụng thời gian như một công cụ chiến lược để đạt được những mục tiêu có ý nghĩa. Việc biết phân định ưu tiên, kiểm soát quỹ thời gian hợp lý sẽ giúp giảm áp lực, nâng cao năng suất, và duy trì được sự điềm tĩnh - yếu tố nền tảng của tư duy chiến lược.
Với những học viên “nung nấu” ý định khởi nghiệp, seminar cũng khẳng định rằng việc “start-up” trung tâm tiếng Anh không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, mà còn cần tư duy quản lý chương trình toàn diện. Từ quản lý tài chính, thời gian, nhân sự đến kiểm soát rủi ro và chất lượng giảng dạy – tất cả đều là những yếu tố quyết định hiệu quả vận hành và khả năng cạnh tranh của một cơ sở giáo dục ngoại ngữ trong thị trường đầy biến động.
Việc lãnh đạo và lên kế hoạch chiến lược cũng cần quá trình luyện tập
Tổng kết buổi seminar, diễn giả đưa ra một thông điệp sâu sắc: người làm quản lý giáo dục hiệu quả không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải tư duy dài hạn như một nhà hoạch định chiến lược. Họ không chỉ vận hành một chương trình đào tạo, mà còn góp phần kiến tạo nên văn hóa học thuật, truyền năng lượng tích cực đến đội ngũ và người học, từ đó nâng cao chất lượng toàn diện của môi trường giáo dục.

Buổi seminar đã đem đến nhiều thông tin hữu ích cho các giảng viên, học viên tham dự
Seminar “Language Program Administration: Key Factors for Success” không chỉ là một buổi chia sẻ thông tin, mà thực sự là một cơ hội để các giảng viên, học viên nhìn lại hành trình nghề nghiệp, tái cấu trúc tư duy và định vị lại vai trò của mình trong bức tranh tổng thể của sự phát triển giáo dục hiện đại.
Tin: Bảo Thư
Ảnh: Viện Đào tạo Sau Đại học
TT. Truyền thông