Ngày 08/5, Nhóm Nghiên cứu mạnh (NCM) thuộc Khoa Xây dựng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức buổi Seminar nghiên cứu liên trường “Toán học ứng dụng và trí tuệ nhân tạo trong tính toán xây dựng, giao thông và phòng chống sạt lở” với nhiều đề tài nghiên cứu tiềm năng, mang tính ứng dụng thực tiễn cao.
Tại chương trình, các nghiên cứu sinh đã lần lượt trình bày và thảo luận nhiều chủ đề chuyên sâu liên quan đến kỹ thuật xây dựng dân dụng và công nghiệp, trong đó tập trung vào phân tích kết cấu, vật liệu và tải trọng. Thầy Nguyễn Hữu Kỳ - Nghiên cứu sinh Khoa Xây dựng Trường Đại học Mở TP.HCM mở đầu với đề tài “Phân tích ứng xử kết cấu khung thép chịu tải trọng lặp”. Thầy tập trung sử dụng kết hợp phương pháp phần tử hữu hạn (FEM) và giải thuật tối ưu hình nón bậc hai (SOCP), giúp nâng cao độ chính xác trong phân tích kết cấu thép, mang đến hiệu quả tối ưu trong quá trình xây dựng.
Thầy Nguyễn Hữu Kỳ phân tích kết cấu khung thép chịu tải trọng lặp bằng FEM kết hợp SOCP
Báo cáo của thầy Vũ Minh Hoàng và thầy Phạm Đình Hà - Học viên cao học Khoa Kỹ thuật Xây dựng Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM với đề tài “Phân tích giới hạn và thích nghi cho kết cấu bằng phương pháp phần tử đa giác trơn (Poly-SFEM)” đã mang đến cách tiếp cận mới cho các bài toán kết cấu phẳng và địa kỹ thuật chịu tải trọng phức tạp. Tại đây, hai thầy đã lần lượt trình bày các nội dung gồm: tổng quát phương pháp Phân tích giới hạn và thích nghi, quy trình tính toán, phương pháp Phân tích hữu hạn đa giác Poly-SFEM cùng các ví dụ số, từ đó đưa ra các giải pháp đề xuất phù hợp nhằm tăng hiệu quả tính toán và khả năng hội tụ trong các mô hình mô phỏng thực tiễn.
Thầy Vũ Minh Hoàng và thầy Phạm Đình Hà trình bày phương pháp Poly-SFEM trong phân tích kết cấu phức tạp
Tiếp nối chương trình, TS. Hồ Lê Huy Phúc - Giảng viên, thành viên Nhóm Nghiên cứu mạnh Khoa Xây dựng HUTECH đã trình bày tổng quan đề tài “Phân tích kết cấu và vật liệu ở trạng thái giới hạn: Thuận lợi, thách thức và triển vọng”. Thầy chia sẻ các phương pháp số tiên tiến đang được áp dụng trong phân tích kết cấu, vật liệu, đồng thời chỉ ra những thách thức trong việc mô hình hóa và tối ưu hóa thiết kế, từ đó mở ra những triển vọng nghiên cứu mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và tính toán kỹ thuật trong ngành xây dựng hiện đại.
TS. Hồ Lê Huy Phúc trình bày tổng quan về kết cấu và vật liệu ở trạng thái giới hạn, đến ứng dụng AI trong xây dựng
Khép lại seminar, GS.TS. Lê Văn Cảnh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã tổng hợp các nội dung trình bày, đánh giá xu hướng phát triển của các lĩnh vực nghiên cứu được đề cập và đưa ra các định hướng cụ thể dành cho nghiên cứu sinh, học viên cao học. Thầy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp toán học ứng dụng và AI vào các bài toán kỹ thuật, qua đó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu tại HUTECH mà còn tạo tiền đề cho các nghiên cứu liên ngành, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn của xã hội.
GS.TS. Lê Văn Cảnh tổng kết seminar, định hướng nghiên cứu và nhấn mạnh vai trò AI, toán học trong kỹ thuật
Seminar kết thúc với thông điệp đẩy mạnh ứng dụng AI và toán học trong nghiên cứu kỹ thuật tại HUTECH
Buổi seminar là dịp để các nhà nghiên cứu trẻ thể hiện năng lực nghiên cứu, đồng thời tạo môi trường trao đổi học thuật sôi nổi giữa các trường đại học. Đây cũng là minh chứng cho định hướng nghiên cứu gắn liền thực tiễn mà Nhóm Nghiên cứu mạnh Khoa Xây dựng HUTECH đang theo đuổi, góp phần nâng cao vị thế nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng và hạ tầng đô thị.
Tin: Hoài Như
Ảnh: Đức Hạnh
TT. Truyền thông