Nhằm tăng cường khả năng lắng nghe và hỗ trợ sinh viên một cách hiệu quả cho toàn thể cán bộ - giảng viên - nhân viên (CB-GV-NV) Nhà trường, Phòng Nhân sự Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã triển khai chương trình Tập huấn kỹ năng với chủ đề “Chăm sóc người học” vào ngày 17/4.
Buổi tập huấn kỹ năng “Chăm sóc người học” diễn ra vào ngày 17/4 vừa qua tại Saigon Campus
Đảm nhiệm vai trò diễn giả, ThS. Lương Đình Thúy Vân - Nhà sáng lập Học viện Mogin đã mang đến nhiều chia sẻ thực tế và sâu sắc. Từ góc nhìn của một chuyên gia huấn luyện về giao tiếp và tâm lý học đường, cô nhấn mạnh rằng: muốn sinh viên cảm thấy được quan tâm, trước hết người thầy phải biết quan sát và lắng nghe bằng sự tôn trọng.
ThS. Lương Đình Thúy Vân chia sẻ nhiều kiến thức hữu ích về kỹ năng giao tiếp và tâm lý học đường
Một nội dung đặc biệt được ThS. Lương Đình Thúy Vân chia sẻ là câu nói: “Tôi muốn được lắng nghe nhiều hơn, nhưng không phải ai tôi cũng nghe. Tôi muốn được nói chuyện nhiều hơn, nhưng không phải ai tôi cũng nói.” Đây là một lời nhấn mạnh sâu sắc về cảm xúc và sự chọn lọc trong giao tiếp. Theo cô, mỗi người kể cả sinh viên chỉ thực sự cởi mở khi cảm thấy được tôn trọng, được công nhận và được kết nối đúng cách. Từ đó, cô lý giải rào cản thông tin “cái ta trong cái tôi” khi những định kiến và kỳ vọng cá nhân có thể cản trở sự thấu hiểu. Để quan tâm đúng nghĩa đến người học, CB-GV-NV cần lắng nghe một cách cởi mở, trao quyền phát biểu, xử lý vấn đề hợp lý và tôn trọng nhu cầu thực tế của sinh viên.
Các thầy cô chăm chú lắng nghe những chia sẻ thiết thực từ diễn giả
Đặc biệt, trong quá trình hỗ trợ sinh viên, diễn giả cũng cảnh báo về những “cái bẫy” thường gặp khi đàm phán hoặc giao tiếp với sinh viên. Nhận thấy nhiều giảng viên thường có xu hướng áp đặt thay vì đồng hành, cô khuyến nghị đội ngũ CB-GV-NV cần xác định rõ mục tiêu trong mỗi cuộc trao đổi, luôn ghi nhớ rằng sinh viên cũng có những nhu cầu, mong muốn hoàn toàn chính đáng. Do đó, sự đồng thuận, chia sẻ giữa hai bên là yếu tố then chốt để giảm thiểu những hiểu lầm không đáng có, từ đó tăng tính hiệu quả trong giao tiếp và hỗ trợ.
Trong quá trình hỗ trợ sinh viên, diễn giả cảnh báo về những “bẫy” thường gặp khi giao tiếp với các bạn
Để tăng tính thực hành và ứng dụng, chương trình còn tổ chức hoạt động mô phỏng xử lý tình huống giả định. Mỗi đội tham gia được trải nghiệm cả hai vai trò: sinh viên và cán bộ tư vấn. Hoạt động không yêu cầu giải quyết triệt để vấn đề, mà tập trung vào việc xoa dịu cảm xúc, giao tiếp linh hoạt và khai thác thông tin hiệu quả. Thông qua đó, người tham gia có cơ hội nhận diện rõ những thiếu sót trong quá trình tiếp cận sinh viên hiện nay: từ việc chưa hiểu hết tâm lý người học, chưa kịp thích nghi với những chuyển biến trong thế hệ sinh viên mới, đến việc giao tiếp chưa đủ linh hoạt, đôi khi còn cảm tính. Đây là tiền đề để từng cá nhân điều chỉnh phương pháp làm việc, xây dựng phong cách ứng xử phù hợp hơn với người học trong bối cảnh hiện đại.
Những hoạt động thú vị tại buổi tập huấn giúp giảng viên từng bước học cách "chăm sóc người học"
Ở phần cuối chương trình, ThS. Lương Đình Thúy Vân cũng giới thiệu bốn khuynh hướng giao tiếp phổ biến: phân tích, biểu cảm, hài hòa và thúc đẩy. Cô khuyến khích CB-GV-NV cần linh hoạt áp dụng các phương pháp giao tiếp theo từng tình huống và đối tượng. Đặc biệt, việc đặt câu hỏi mở và chủ động kéo dài cuộc trò chuyện sẽ giúp người học cởi mở hơn, từ đó giảng viên có thể thấu hiểu sâu sắc hơn về những điều mà sinh viên thực sự cần.
Các giảng viên trao đổi, thảo luận cùng diễn giả các vấn đề xoay quanh cách thức nắm bắt bắt tâm lý sinh viên
Chương trình tập huấn không chỉ dừng lại ở việc trang bị kỹ năng, mà còn là lời nhắc nhở đầy tinh tế: người thầy không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người dẫn dắt, khơi mở và đồng hành cùng người học. Với định hướng đó, HUTECH kỳ vọng sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần nhân văn, tôn trọng và sẻ chia trong toàn bộ môi trường giáo dục của Nhà trường.
Chuỗi tập huấn mang đến nhiều kiến thức để nâng cấp quá trình giảng dạy, làm việc của CB-GV-NV HUTECH
Được biết, chương trình sẽ tiếp tục diễn ra vào các ngày 18 và 19/4 với những nội dung thiết thực, hứa hẹn mang đến nhiều góc nhìn chuyên sâu hơn về hành trình “chăm sóc người học” trong bối cảnh giáo dục đại học hiện đại.
Tin: Mỹ Lam
Ảnh: Quốc Bảo
TT. Truyền thông